Nhiều công ty ở Mỹ và các nước phương Tây không còn được phép tiến hành kinh doanh hay trao đổi tiền tệ với các Ngân hàng của Nga.
Khi Mỹ và các nước phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhiều người bắt đầu lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử.
Quốc gia này đã bị loại bỏ khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, các doanh nghiệp ở Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác bị cấm giao dịch và kinh doanh với các Ngân hàng và Quỹ tài sản quốc gia của Nga.
Giám đốc điều hành tại các sàn giao dịch tiền điện tử đã cân nhắc về tác động của các lệnh trừng phạt đến thị trường này. Changpeng Zhao – Giám đốc điều hành của Binance đã có một bài chia sẻ trên Twitter về quan điểm của mình. Ông tuyên bố rằng hầu hết các ngân hàng đều tuân thủ các quy tắc trừng phạt và Binance cũng tuân theo các quy tắc đó.
Brad Garlinghouse – Giám đốc điều hành của Ripple, phản bác một cách thẳng thắn ý kiến cho rằng Nga có thể sử dụng tiền điện tử để tránh các lệnh phạt kinh tế. Trên Twitter, Giám đốc điều hành của Ripple đã hướng dẫn các thủ tục để thiết lập một sàn giao dịch tiền điện tử, ông cho biết các nền tảng giao dịch tiền điện tử trên toàn thế giới dựa vào nhiều đối tác ngân hàng khác nhau và họ có nguy cơ bị mất giấy phép hoạt động nếu một quốc gia hoặc cá nhân bị block phá vỡ tất cả các biện pháp bảo mật cần thiết để thực hiện giao dịch trên các nền tảng này.
Garlinghouse nói rằng các sàn giao dịch tiền điện tử đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, chẳng hạn như các biện pháp yêu cầu khách hàng tuân thủ các tiêu chuẩn “Know Your Customer” (cung cấp thông tin cần thiết của người dùng theo yêu cầu của sàn giao dịch) và chống rửa tiền để tránh xảy ra các tình huống không mong muốn như trên.
Lưu ý của Garlinghouse lặp lại những gì Asheesh Birla – Tổng giám đốc Ripple đã nói, Asheesh Birla đã lập luận rằng hiện tại các giao dịch tiền điện tử đang bị chính phủ và các phần mềm theo dõi nên Nga sẽ không thể sử dụng nó để tránh các lệnh trừng phạt.
Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của Coinbase, cũng nêu rõ quan điểm này và tin rằng tiền điện tử không phải là một cách để tránh các lệnh trừng phạt. Theo ông, mọi công ty ở Mỹ đều phải tuân thủ luật pháp; không có gì khác biệt cho dù họ tham gia vào “đô la, vàng tiền điện tử, bất động sản” hay bất kỳ loại tài sản phi tài chính nào khác. Theo Armstrong, các quy tắc trừng phạt được áp dụng bình đẳng cho tất cả các công ty và cá nhân.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Coinbase nhấn mạnh rằng Coinbase không “vơ đũa cả năm”, họ không cấm tất cả người dùng Nga tham gia các giao dịch tiền điện tử vì mọi người đều xứng đáng được tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản, “trừ khi luật có quy định khác”. Tuy nhiên, hiện tại Nga không nằm trong danh sách các khu vực được Coinbase hỗ trợ.
Chia sẻ cùng Cointelegraph, đại diện Coinbase cam kết tuân theo tất cả các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng, bao gồm “khóa tất cả các tài khoản và giao dịch có thể có liên quan đến các tổ chức và cá nhân nằm trong lệnh trừng phạt”.
Đồng thời Coinbase cùng bày tỏ lập trường rằng họ sẽ không thực hiện một lệnh cấm “phi pháp luật” đối với tất cả các giao dịch Coinbase không bị trừng phạt. Theo đại diện Coinbase, sàn giao dịch đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để tuân thủ các lệnh trừng phạt gần đây nhất.