Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của Nga, ông Denis Manturov đã bày tỏ rằng, việc hợp pháp hóa tiền mã hóa như một phương thức thanh toán tại quốc gia này là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Bối cảnh trong việc đưa ra dự luật đối với tiền mã hóa
Chiến tranh giữa Nga và Ukraine
Nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Anh, Ủy ban Châu Âu (EC) đã áp dụng lệnh trừng phạt hàng loạt đối với Nga, sau khi quốc gia này kích hoạt cuộc chiến tranh với Ukraine vào tháng Hai. Cụ thể, các hệ thống tài chính lớn trên toàn thế giới đã loại bảy ngân hàng thương mại lớn của Nga ra khói hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đồng thời phong tỏa các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga trị giá 640 tỷ USD ở nước ngoài.
Điều này đã khiến cho đồng Rúp Nga bị mất giá trầm trọng đối với đồng USD của Hoa Kỳ. Do đó, để đối phó với vấn đề này, nhiều công dân của quốc gia này đã có xu hướng tìm cách tích trữ và đầu tư vào tiền mã hóa như một lựa chọn an toàn hơn.
Xu hướng chấp nhận tiền mã hóa trên toàn thế giới
Đối với nhiều người, tiền mã hóa có thể được coi như là tương lai của thị trường tiền tệ truyền thống, khi nó có thể giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu. Theo công ty dữ liệu Chainalysis, vào năm 2021, tỷ lệ chấp nhận tiền mã hóa trên toàn cầu đã tăng 880% so với một năm trước đó, nâng tổng lượng người nắm giữ tiền mã hóa trên toàn thế giới lên hàng trăm triệu người.
Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Bồ Đào Nha, Anh, Ấn Độ, hay El Salvador cũng đã bắt đầu đưa ra những dự luật đối với tiền mã hóa để có thể đưa ra các biện pháp quản lý đối với ngành thị trường này. Gần đây, 32 ngân hàng trung ương và 12 cơ quan tài chính từ 44 quốc gia đã tham dự cuộc họp thảo luận về các chủ đề bao gồm tài chính, nền kinh tế kỹ thuật số, và việc triển khai các hoạt động đối với Bitcoin và các lợi ích của đồng tiền mã hóa này đối với El Salvador.
Trên thực tế, tổng thống của Nga, ông Vladimir Putin đã có dự định chấp nhận tiền mã hóa từ lâu. Đồng thời, vào cuối tháng Ba, các viên chức chính phủ của quốc gia này cũng yêu cầu hợp pháp hóa việc đào tiền mã hóa càng sớm càng tốt. Dựa trên những bối cảnh đó, vào tháng Tư vừa qua, Bộ Tài chính của quốc gia này cũng đã khuyến nghị thông qua dự luật về tiền mã hóa.
Mục đích của việc hợp pháp hóa phương thức thanh toán bằng tiền mã hóa
Vào đầu tháng Tư, Thủ tướng Nga, ông Mikhail Mishustin đã tuyên bố rằng công dân quốc gia này đang nắm giữ một lượng tài sản tiền mã hóa trị giá 130 tỷ USD. Do nhu cầu sử dụng tiền mã hóa tại Nga đã tăng lên đáng kể kể từ cuộc chiến tranh giữa quốc gia này với Ukraine, việc đưa ra dự luật bao gồm việc hợp pháp hóa phương thức thanh toán bằng tiền mã hóa là vô cùng cần thiết để có thể giám sát ngành công nghiệp này và giúp Nga vượt qua các giai đoạn khó khăn trong nền kinh tế hiện tại.
Theo đó, dự luật này có thể cung cấp cho công dân và các nhà đầu tư tại Nga những quy định liên quan đến việc giao dịch và khai thác tiền mã hóa. Cụ thể, các cá nhân hay tổ chức tại quốc gia này sẽ cần được cấp phép và tuân thủ theo các quy trịnh nhận dạng nghiêm ngặt để có thể giao dịch hay cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa.
Các ý kiến trái chiều
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của Nga, ông Denis Manturov gần đây đã bày tỏ các quan điểm của mình rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi các đồng tiền mã hóa như Bitcoin và các đồng Altcoin được hợp pháp hóa như những phương tiện thanh toán ở quốc gia này.
Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương của Nga đã thể hiện sự phản đối kịch liệt đối với động thái này. Cụ thể, ngân hàng này cho biết tiền mã hóa mang dấu hiệu của một mô hình không bền vững và có thể làm suy yếu các chính sách tiền tệ. Hơn nữa, các hoạt động khai thác tiền mã hóa có thể gây ra ảnh hưởng xấu đối với các mục tiêu bảo vệ môi trường và gây nguy hại cho nguồn năng lượng của Nga.
Đồng quan điểm với Ngân hàng Trung ương Nga, các quốc gia như Thái Lan, Nepal và Ai Cập cũng có những động thái tương tự khi cấm các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa do lo ngại rằng việc hợp pháp hóa tiền mã hóa như một phương thức thanh toán có thể dẫn đến các nguy cơ đối với an ninh quốc gia và gây ra sự bất ổn tài chính.
Nguồn: SkyverseTV tổng hợp