Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA mới đây đã khởi động MarsXR Challenge nhằm xây dựng phiên bản metaverse của sao Hỏa để phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Được tổ chức với sự hợp tác của HeroX, một nền tảng giải pháp nguồn lực cộng đồng, MarsXR Challenge là một sáng kiến được triển khai bởi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA với sự hợp tác của các công ty Buendea và Epic Games.
Đối tác chính của NASA trong sáng kiến MarsXR Challenge lần này là Epic Games – một công ty phát triển và phát hành game cực kỳ nổi tiếng với công cụ Unreal Engine 5 nổi tiếng (công cụ lập trình đột phá được sử dụng cho Kingdom Hearts IV và Fortnite).
Thử thách hướng tới các nhà phát triển trò chơi và ứng dụng, những người muốn đóng góp vào việc tạo ra trải nghiệm nhập vai xung quanh phiên bản Metaverse của sao Hỏa với sự tích hợp công nghệ thực tế ảo mở rộng (Extended Reality – XR).
Thách thức dành cho các nhà phát triển trò chơi là phải tạo ra các môi trường và tài nguyên mới dành cho hệ thống hỗ trợ hoạt động có tên “MarsXR Operations Support System” (XOSS) với sự tích hợp của Unreal Engine 5 của Epic Games.
NASA đã công bố thông tin chi tiết về Sao Hỏa, bao gồm điều kiện thời tiết, lực hấp dẫn, màu sắc, và 400 km vuông địa hình thực tế có thể tìm thấy trên Hành tinh Đỏ, hỗ trợ các lập trình viên trong việc thiết kế phiên bản metaverse của hành tinh này.
Giải thưởng 70.000 USD cho những người chiến thắng
NASA đã đưa ra tổng giải thưởng là 70.000 USD cho thử thách này, chia cho tối đa 20 người chiến thắng. Thử thách này sẽ có năm hạng mục, và người chiến thắng của mỗi hạng mục sẽ nhận được khoản tiền 6.000 USD. Đồng thời cơ quan này cũng cho viết rằng, các nhóm có thể gửi nhiều bài dự thi trong mỗi hạng mục và gửi đến nhiều hạng mục, nếu đủ điều kiện, họ sẽ có thể giành được nhiều hơn một giải thưởng.
Đơn đăng ký được mở từ bây giờ cho đến ngày 26/07/2022 và kết quả sẽ được công bố vào ngày 27/09/2022. Tính đến thời điểm bài viết, đã có khoảng 266 nhà phát triển và 25 đội chơi đăng ký tham gia thử thách.
Các thử thách được chia thành 5 hạng mục bao gồm dựng trại, nghiên cứu khoa học, bảo trì, khám phá và gây bất ngờ. Trong mỗi tình huống, các nhà phát triển cần tạo ra nguồn tài nguyên và tuân theo quy trình đeo kính VR (Virtual Reality – thực tế ảo) để thực hiện nhiệm vụ.
Các phi hành gia trong tương lai sẽ có thể sử dụng phiên bản thực tế ảo của Sao Hỏa để tham gia huấn luyện trước khi thật sự đặt chân lên hành tinh này.
Nguồn: SkyverseTV tổng hợp