Hàng ngàn công ty tiền tệ kỹ thuật số và blockchain được thành lập tại Việt Nam, nhưng lại có trụ sở hợp pháp chính tại các quốc gia như Singapore, Malaysia và Hong Kong.
Là một trong những quốc gia có lượng người dân sử dụng tiền tệ kỹ thuật số lớn nhất trên thế giới, Việt Nam hiện tại vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể dành cho các công ty làm về lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số và công nghệ blockchain. Theo một báo cáo mới nhất của báo VnExpress, hàng ngàn công ty tiền tệ kỹ thuật số thành lập tại Việt Nam có trụ sở hợp pháp tại nước ngoài, cụ thể là ở các quốc gia như Singapore, Malaysia và Hong Kong.
Các giám đốc điều hành của một số công ty khởi nghiệp về lĩnh vực này đã có một vài phát biểu cho rằng Việt Nam thiếu một khuôn khổ pháp lý rõ ràng đối với việc thành lập các công ty tiền tệ kỹ thuật số. Đồng thời, các công ty khởi nghiệp về ngành này tại Việt Nam cũng phải vượt qua nhiều rào cản, khiến việc nhận nguồn tài trợ từ quốc tế trở nên khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc điều hành của Sky Mavis (công ty phát triển dự án Axie Infinity) nói rằng, quốc gia như Singapore, ngược lại với Việt Nam, có quy định rõ ràng để quản lý các công ty blockchain và các nhà đầu tư; tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Ở góc độ là một nhà phát triển dự án, ông Trung cũng nói thêm rằng, việc có sẵn một khuôn khổ pháp lý rõ ràng là một điều tích cực đối với các dự án/công ty khởi nghiệp về lĩnh vực blockchain. Mô hình hoạt động khi chưa có khung pháp lý khiến các công ty khởi nghiệp cảm thấy bất an khi hoạt động tại Việt Nam, dẫn đến việc phải vận hành theo một cách phòng thủ, luôn phải nghĩ đến cách tuân thủ pháp luật thay vì dành thời gian cho việc kinh doanh và phát triển.
Xu hướng này được đánh giá là đáng lo ngại đối với đất nước, khi cho thấy một sự chảy máu chất xám rõ rệt. Sau sự thành công của game Axie Infinity, các dự án gamefi đã bắt đầu mở rộng khắp các quốc gia Đông Nam Á. Cụ thể, tại Việt Nam, hơn 1.000 công ty khởi nghiệp phát triển game blockchain đã được thành lập và 10 công ty trong số đó được định giá trên 100 triệu USD.
Theo các chuyên gia, nếu dự án blockchain được đặt trụ sở trong nước, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều thứ. Với nguồn tài trợ từ nước ngoài đổ về, việc đầu tư cho đội ngũ nhân sự sẽ được chú trọng hơn. Cùng với hiệu ứng truyền thông, thế giới sẽ có đánh giá tích cực đối với đất nước khi mở cửa cho công nghệ và các nhà đầu tư quốc tế. Ngược lại, theo nhà đồng sáng lập của FAM Central kiêm Giám đốc của Quỹ khởi nghiệp quốc gia, ông Cris Duy Trần cho biết khi không có trụ sở tại Việt Nam, các dự án/công ty sẽ không mang được hình ảnh thương hiệu của Việt Nam như một quốc gia dẫn đầu về khởi nghiệp và các xu thế về công nghệ.
Việt Nam vẫn đang hoàn thiện khung pháp lý cho tiền tệ kỹ thuật số
Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những động thái để giải quyết vấn đề này. Vào tháng Ba, chính phủ nước ta đã trao quyền cho Bộ Tài chính trong việc cung cấp khuôn khổ pháp lý cho ngành công nghiệp tiền tệ kỹ thuật số, theo chỉ thị của Phó thủ tướng Lê Minh Khai.
Vào tháng Tư năm nay, Bộ Nội vụ cũng đã thực hiện ký kết quyết định thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Những hành động trên này được xem như là bước tiến lớn trong việc chấp nhận công nghệ blockchain để ứng dụng vào lĩnh vực tài chính, giáo dục,…; góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ blockchain thế giới.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang tìm cách phát hành một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central bank digital currency – CBDC). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được giao nhiệm vụ thăm dò lĩnh vực này trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023 để có thể đạt được các mục tiêu quản trị điện tử của đất nước. CBDC có thể thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam.
Nguồn: SkyverseTV tổng hợp